Cả hệ thống chính trị tập trung phòng, chống dịch với phương châm 5K + vắc xin + công nghệ
Thứ ba - 24/08/2021 20:522370
Ngày 24/8, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh (từ ngày 23/6 đến 23/8). Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có các đồng chí: Phạm Đại Dương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; các phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành…
Những kết quả bước đầu
Theo báo cáo sơ kết của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, từ ngày 23/6 đến 8 giờ ngày 24/8, Phú Yên ghi nhận 2.489 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó tử vong 26 trường hợp (chiếm 1,04%). Số bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh, xuất viện là 1.873 người (chiếm 75,37%); hiện còn 590 bệnh nhân đang điều trị. Tổng số mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh là 761.508 mẫu. Đến ngày 23/8, toàn tỉnh đã tổ chức 11 đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 112.708 người, trong đó có 22.380 người tiêm đủ 2 mũi.
Để đảm bảo công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, Sở Y tế đã thiết lập 9 bệnh viện dã chiến, khả năng thu dung 1.700 bệnh nhân. Khu cách ly y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 thuộc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên có 70 giường ICU. Các địa phương đã thiết lập 90 cơ sở cách ly tập trung với sức chứa khoảng 7.000 người; lập 8 chốt kiểm soát phòng chống dịch tại các “cửa ngõ” của Phú Yên trên các tuyến quốc lộ.
Theo Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, dịch bệnh lây lan rộng và kéo dài bởi biến thể virus Delta lây lan rất nhanh và mạnh, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn các chủng virus trước làm gia tăng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Xuất phát điểm của đợt dịch này xảy ra tại quán cơm Yến Nam có liên quan đến nhiều địa điểm nguy cơ như các chợ đầu mối, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Phòng khám Đức Tín. Vì phát hiện muộn (sau 13 ngày tiếp xúc với nguồn lây) nên khả năng dịch đã lây qua 3-4 vòng lây nhiễm. Địa bàn đầu tiên chịu tác động của đợt dịch này là TP Tuy Hòa - nơi có mật độ dân cư cao, là đầu mối giao thống huyết mạch của cả tỉnh, nhiều khu công nghiệp, di biến động dân cư giữa các địa phương lớn. Về nguyên nhân chủ quan, việc thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ tại một số địa phương còn chưa nghiêm, chưa thực sự đảm bảo “ai ở đâu, ở yên đó”; thời gian đầu triển khai còn lúng túng, chưa đồng bộ. Công tác tổ chức thực hiện các chỉ đạo, điều hành, quy định về phòng, chống dịch tại một số nơi còn chưa nghiêm, lúng túng và không nhất quán; còn có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Công tác đảm bảo hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” ở các địa phương chưa được chuẩn bị trước dẫn đến thiếu vật tư, thiết bị cần thiết phục vụ phòng, chống dịch, nhất là về nhân lực y tế, thiết bị xét nghiệm, điều trị. Công tác tổ chức, chỉ huy và điều phối triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại một số địa phương bộc lộ hạn chế…
5K + vắc xin + công nghệ
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các địa phương, các sở, ngành… và ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặc biệt là khi “giặc” có biến chủng nguy hiểm. “Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Cả hệ thống chính trị tập trung phòng, chống dịch với phương châm 5K + vắc xin + công nghệ”, đồng chí Phạm Đại Dương chỉ đạo. Bí thư Tỉnh ủy biểu dương nỗ lực của toàn tỉnh trong công tác phòng, chống dịch và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đồng chí cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác dự báo; chỉ đạo ngành Y tế vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho nhân dân; đảm bảo an toàn cho y bác sĩ và những người tham gia vào tuyến đầu chống dịch; các địa phương đảm bảo an sinh xã hội. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tính đến phương án “sống chung” với dịch bệnh; tiếp tục cải cách hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường mạng; chuẩn bị cho năm học mới; các địa phương chuẩn bị tinh thần ứng phó với thiên tai khi mùa mưa tới…
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Trần Hữu Thế yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng… nhìn nhận rõ những bất cập, hạn chế, tồn tại trong công tác phòng chống dịch, khắc phục để thực hiện tốt hơn công tác này. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu duy trì tốc độ xét nghiệm để sớm đưa F0 ra khỏi cộng đồng; chọn đúng đối tượng, nhóm đối tượng, địa bàn triển khai hoạt động tiêm chủng để vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất; tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, sử dụng các phần mềm công nghệ tạo sự tiện lợi, nhanh gọn, chính xác để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế; đẩy nhanh tiến độ xem xét, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng thay thế lực lượng giáo viên tham gia các tổ COVID-19 cộng đồng, tổ lấy mẫu và tổ chức tập huấn để đảm bảo kỹ năng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ COVID cộng đồng song song với việc đảm bảo chế độ cho họ, để việc thực thi các biện pháp phòng chống dịch tại tuyến cơ sở tốt hơn. Tăng cường kiểm tra việc đi lại, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công khai để răn đe.
Qua ý kiến đề xuất của các địa phương và qua phân tích, đánh giá tình hình của ngành Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế thống nhất với đề xuất của UBND TP Tuy Hòa, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 5/9. Đối với TX Đông Hòa và huyện Phú Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đến hết ngày 5/9. Đối với huyện Tuy An, 4 xã: An Mỹ, An Chấn, An Hiệp và An Hòa Hải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16; các xã, thị trấn còn lại thực hiện theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Các huyện, thị xã khác trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Chỉ thị số 15.