Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Thứ hai - 20/09/2021 21:26 888 0
1
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tổ chức sản xuất nông nghiệp có đổi mới

Những năm qua, việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt một số kết quả tích cực. Tổ chức sản xuất nông nghiệp có đổi mới, từng bước chuyển từ tập quán sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tăng đáng kể; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, giống mới, kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều... Qua đó, đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị nhiều sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt hơn 3,9%/năm trong điều kiện còn nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Lĩnh vực nông nghiệp đã có đóng góp quan trọng vào việc nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống nhân dân và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp của tỉnh còn nhiều yếu tố chưa bền vững, tăng trưởng thiếu ổn định và có xu hướng chậm lại. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch nông nghiệp chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tiễn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng nông thôn thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, cơ bản vẫn còn theo phương thức canh tác truyền thống, nhỏ lẻ, phân tán; chưa hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, tỷ trọng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn thấp; năng suất, chất lượng nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh chậm cải thiện, giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Chưa thu hút đầu tư được nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; vai trò của kinh tế tập thể đối với nông nghiệp chưa rõ nét. Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.

Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 20% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Tỉnh ủy đề ra Chương trình hành động số 11-CTr/TU về tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế. Theo đó, Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, các sản phẩm nông sản có năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trên cơ sở phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, các trang trại có sự hợp tác, liên kết sản xuất chặt chẽ theo chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của địa phương có giá trị kinh tế cao.

Phấn đấu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đạt được 9 nhóm chỉ tiêu cụ thể, gồm: (1) Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 bình quân đạt 3,5% - 4,0%/năm, đóng góp khoảng 20%; giai đoạn 2026-2030 đạt 3-3,5%/năm, đóng góp khoảng 15% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. (2) Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 35% và năm 2030 trên 50%; sản xuất theo quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt 20% và năm 2030 trên 40%. (3) Có khoảng 05 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được công nhận nhãn hiệu và thương hiệu. (4) Giá trị sản phẩm thu được bình quân 01 ha đất trồng trọt, mặt nước nuôi trồng thủy sản chủ lực, đất rừng trồng sản xuất tăng gấp 1,3 đến 1,5 lần; trong đó các sản phẩm chủ lực có chất lượng và giá trị kinh tế tăng gấp 1,3 lần. (5) Nâng tỷ lệ tưới tiết kiệm nước đạt trên 15% tổng diện tích sản xuất đến năm 2025 và 30% đến năm 2030. (6) Tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt khoảng 80%. (7) Có trên 130 Hợp tác xã nông nghiệp (thành lập mới 30 HTXNN) và 110 Tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động. (8) Số lượng doanh nghiệp có ngành nghề hoạt động liên quan lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 15 - 20% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. (9) Thu hút  5 - 10 nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Để đạt được các mục tiêu trên, cần triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tập trung rà soát quy hoạch, định hướng các khu, vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào các khâu sản xuất nông nghiệp. Thúc đẩy cơ giới hóa, tự động hóa nông nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và dịch vụ logistic. Mở rộng quy mô, diện tích sản xuất sản phẩm sạch, triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị. Tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản. Phát triển kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Riêng trong năm 2021, tỉnh Phú Yên đặt ra 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện, gồm:

Một là, tập trung rà soát, xác định lợi thế của từng địa phương và nhu cầu thị trường, trọng tâm là các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chỉ rõ quy mô diện tích sản xuất đến từng địa phương để tích hợp vào quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hai là, xây dựng, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên; chính sách hỗ trợ xây dựng mỗi xã một sản phẩm; quy định mật độ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Ba là, xây dựng Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển ngành hàng cá ngừ đại dương của tỉnh; Đề án vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao gắn với chế biến; Đề án phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn; Đề án xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; Đề án xây dựng vùng cây ăn quả gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm; Đề án xây dựng mô hình trồng rau sạch tại một số địa phương trong tỉnh.

Bốn là, hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; xác định và đóng mốc ranh giới 3 loại rừng; liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư quản lý rừng bền vững gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Cẩm Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 79

Hôm nay: 9,531

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 389,461

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,099,778

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây