Để học tập lý luận chính trị một cách thực sự, thực chất

Thứ hai - 18/04/2022 22:32 408 0

Muốn ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên phải chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị. Tuy nhiên, công việc này lại đang vấp phải một trở ngại là tình trạng lười học, ngại học lý luận đang diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Qua nghiên cứu bước đầu cho thấy, tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân chính. Đó là, những lệch lạc trong nhu cầu, động cơ chính trị của cán bộ, đảng viên và những hạn chế, bất cập trong công tác giáo dục lý luận chính trị của cấp ủy các cấp.

11
Một lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới và quần chúng ưu tú của Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Báo Biên Phòng)

NHẬN DIỆN MỘT SỐ LỆCH LẠC TRONG NHU CẦU, ĐỘNG CƠ CHÍNH TRỊ CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Những lệch lạc trong nhu cầu, động cơ chính trị của cán bộ, đảng viên xuất phát từ các nguyên nhân sau cụ thể sau đây:

Thứ nhất, tâm lý được “bao cấp” về chính trị tiếp tục tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên

Hiện nay, đa số cán bộ, đảng viên sinh ra trong hòa bình và trưởng thành trong những năm đất nước đổi mới. Mục tiêu, con đường, bước đi của đất nước đã có Đảng vạch ra, họ không còn phải trăn trở, tìm tòi con đường mang lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho mình và dân tộc như các thế hệ cha anh trước đây. Mặc dù đó là ưu thế của chế độ nhưng lại là nguyên nhân dẫn tới một bộ phận cán bộ, đảng viên có tư tưởng thụ động, ỉ lại, trông chờ vào Đảng, Nhà nước dẫn tới thái độ thờ ơ, vô cảm và thiếu chủ động, sáng tạo trong hoạt động chính trị. Điều đó dẫn tới việc tiếp thu và vận dụng lý luận chính trị chưa trở thành nhu cầu thiết yếu tự thân của mỗi người.

Thông thường, tư duy của mỗi người chỉ được phát huy khi xuất hiện tình huống có vấn đề, nhất là những vấn đề có liên quan đến lợi ích thiết thân của họ. Tuy nhiên, trong quá trình dân chủ hóa đời sống chính trị của đất nước, vì nhiều lý do, sự tham gia thực sự của người dân vào các hoạt động chính trị còn hạn chế. Một số hoạt động như lấy ý kiến nhân dân, gặp gỡ cử tri, hội nghị, hội thảo về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước còn mang tính hình thức khiến cho tâm lý mặc cảm, xa lánh chính trị vẫn còn khá phổ biến.

Thứ hai, lối sống đề cao lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân, coi nhẹ lợi ích chính trị tinh thần, lợi ích cộng đồng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng có xu hướng gia tăng.

Do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự du nhập của lối sống phương Tây và đặc điểm tâm lý của con người trong thời bình đang diễn ra một sự lộn xộn, lệch chuẩn trong lựa chọn định hướng giá trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nhu cầu chính trị - xã hội đang bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Các quy luật của kinh tế thị trường đang chi phối đến mọi lĩnh vực xã hội, các chuẩn mực giá trị có sự điều chỉnh lại, lợi ích vật chất đang đóng vai trò chi phối trực tiếp hành động của con người. Trong bối cảnh đó, xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên chỉ quan tâm đến kinh tế, tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu vật chất, trước mắt, không quan tâm đến mục đích, lý tưởng cao đẹp, lâu dài của quốc gia, dân tộc, thiếu tin tưởng vào sự thắng lợi của lý tưởng chủ nghĩa xã hội. Đó là nguyên nhân khiến cho một bộ phận cán bộ, đảng viên không thấy được lợi ích của việc học lý luận chính trị.

Thứ ba, tình trạng “mất gốc” kiến thức lý luận nền tảng dẫn đến ngại học, sợ học lý luận chính trị.

Các chương trình đào tạo cử nhân trong nước đều có các môn lý luận chính trị. Mục đích của các chương trình đào tạo là đặt nền móng cho việc xây dựng lập trường, bản lĩnh chính trị cho thanh niên trước khi bước vào đời. Tuy nhiên, khi vào trường đại học, nhiều sinh viên không hứng thú với các môn học vừa “khó”, vừa “khô” này, dẫn đến khiến thức không vững, không biết vận dụng thực tiễn nên không thấy được giá trị của chúng trong cuộc sống hàng ngày. Sau khi tốt nghiệp, gia nhập đội ngũ cán bộ, đảng viên, họ vốn có sẵn mặc cảm với các môn lý luận chính trị, lại phải học đi, học lại nhiều lần ở các trình độ khác nhau theo vị trí công tác. Vì không thấy được lợi ích, lại “hổng” kiến thức nền tảng dẫn đến không hiểu bản chất lý luận chính trị, từ đó cảm thấy nhàm chán, ngại học, thậm chí sợ học lý luận chính trị.

HẠN CHẾ, BẤT CẬP TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở CƠ SỞ

Công tác giáo dục lý luận chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị hiện nay còn tồn tại những hạn chế, bất cập, do những nguyên nhân sau như sau:

Thứ nhất, sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp ủy, sự phối hợp và phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng trong giáo dục lý luận chính trị còn hạn chế.

Cấp uỷ một số địa phương, cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm, bám sát thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn công tác giáo dục lý luận chính trị, có hiện tượng khoán trắng cho cơ quan tham mưu, thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của cơ sở. Năng lực quản lý, điều hành và tổ chức kiểm tra việc thực hiện kế hoạch giáo dục lý luận chính trị của cấp ủy còn bất cập. Việc quản lý thời gian, nội dung, chương trình, số lượng và kết quả học tập có lúc, có nơi còn buông lỏng. Ở một số nơi, người đứng đầu thiếu gương mẫu trong học tập, chưa quan tâm đánh giá thực chất sự chuyển biến trong nhận thức, thái độ, hành vi của người học. Các tổ chức quần chúng chưa có nhiều phát kiến, đề xuất trong đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị tuy thực hiện đầy đủ các nền nếp, chế độ giáo dục lý luận chính trị nhưng chỉ là để thanh toán đầu việc, để “ghi điểm” với cấp trên, không quan tâm đến mục đích cao cả của việc giáo dục và nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của người học.

Thứ hai, năng lực, phẩm chất của cán bộ trực tiếp tiến hành công tác giáo dục lý luận chính trị còn nhiều bất cập.

Một bộ phận báo cáo viên đang biến công tác giáo dục lý luận chính trị thành hoạt động dạy học hoặc công việc hành chính đơn thuần. Trong giảng dạy, chỉ chú ý truyền bá tri thức mà không quan tâm truyền cảm hứng, niềm tin, đôi khi lạm dụng ví dụ thực tiễn để nói chuyện tiêu cực, phê phán, chê bai xã hội, đưa bức xúc, bất mãn của cá nhân vào bài giảng. Một số khác thiếu say sưa, tâm huyết, trách nhiệm trong giảng dạy.

Hiện tượng phổ biến là người đi giáo dục “nói không đi đôi với làm”, “nói một đường, làm một nẻo”, lời nói trong hội nghị, trên bục giảng trái ngược với lời nói ở sinh hoạt đời thường. Giáo dục niềm tin đòi hỏi tính định hướng và sự thuyết phục trong từng bài giảng, từng lời nói, hành động cụ thể của chủ thể. Tuy nhiên, hiện nay, một số báo cáo viên thường thể hiện tư cách là người lãnh đạo, quản lý nhiều hơn tư cách người vận động, thuyết phục. Họ quan niệm cán bộ, đảng viên là cấp dưới nên phải chấp hành mệnh lệnh, không thích cũng phải nghe, cũng phải học. Nhiều bài giảng chỉ là cung cấp kiến thức đơn thuần, lạnh lùng vô cảm, chưa truyền tải được cảm hứng, niềm tin, nhiệt huyết của người đi giáo dục. Tính chiến đấu trong giảng bài chưa cao, chưa đủ sức thuyết phục.

Một bộ phận báo cáo viên nắm kiến thức chưa sâu, đặc biệt là chưa đủ sức giải đáp các vấn đề thực tiễn đặt ra và đấu tranh phản bác các quan điểm sái trái, thù địch. Một số cán bộ không đủ tự tin để sử dụng phương pháp đối thoại với người học. Báo cáo viên ở cơ sở là những người chịu trách nhiệm chính trong tiến hành các hoạt động giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhưng khả năng sư phạm, kỹ năng phân tích đánh giá định hướng, dự báo tình hình tư tưởng còn hạn chế, chưa nắm chắc nghiệp vụ sư phạm, nghiệp vụ báo cáo viên. Trong khi, cán bộ, đảng viên ngày càng có trình độ văn hoá cao hơn nhưng nhiều báo cáo viên còn non nớt cả kiến thức và trải nghiệm thực tiễn. Kỹ năng nắm bắt và giải quyết tư tưởng của một số cấp ủy còn hạn chế. Khi xảy ra tình huống có vấn đề về tư tưởng, không ít cấp ủy còn lúng túng, bị động, giải quyết chưa “thấu tình, đạt lý”.

Thứ ba, nội dung giáo dục vẫn còn nặng nề, dàn trải, tính ứng dụng của kiến thức lý luận chính trị còn hạn chế.

Tuy đã được đổi mới ở các mức độ khác nhau nhưng nhìn chung nội dung giáo dục lý luận chính trị vẫn nặng về lý thuyết, kinh viện, tính ứng dụng còn hạn chế. Tình trạng phổ biến hiện nay là giảng dạy lý luận chính trị chỉ nhằm mục đích thuần túy lý luận, phục vụ thi, kiểm tra, ít gắn với nhanạ thức và giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Tính ứng dụng của kiến thức hạn chế nên cán bộ, đảng viên ít cảm nhận được lợi ích thực sự của việc học tập lý luận chính trị. Nhiều bài giảng chưa chuyển tải được cái hay, cái đúng, cái mới của những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Có hiện tượng giáo án, bài giảng chuẩn bị sơ sài, chưa qua phê duyệt của cấp ủy theo quy định. Tình trạng bài giảng chuyên đề chính trị chỉ chép lại nguyên văn tài liệu, không phân tích, bình luận, liên hệ thực tiễn khá phổ biến.

Vấn đề nổi cộm hiện nay trong nội dung giáo dục lý luận chính trị là mâu thuẫn giữa lý tưởng và hiện thực trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhà nước của dân, do dân, vì dân nhưng lại xảy ra các vụ việc mất dân chủ ở nhiều nơi. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực chủ yếu xảy ra ở đảng viên có chức quyền. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhưng thực tế không ít doanh nghiệp Nhà nước làm thất thoát hàng nghìn tỷ ngân sách, hàng vạn mét đất công. Văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội nhưng các tệ nạn ma túy, mại dâm, bạo lực học đường… không ngừng gia tăng cùng các chuẩn mực đạo đức xã hội, các giá trị truyền thống ngày càng mai một. Những hiện tượng trái ngược giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa lý tưởng và hiện thực không được lý giải thoả đáng khiến nhiều nội dung giáo dục lý luận chính trị trở nên xa vời, thiếu hấp dẫn, không đi vào cuộc sống.

Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trường cán bộ các bộ, ngành, đoàn thể trung ương lần thứ VII khu vực phía Bắc. Ảnh: hcma.vn
Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trường cán bộ các bộ, ngành, đoàn thể trung ương lần thứ VII khu vực phía Bắc. Ảnh: hcma.vn

Thứ tư, hình thức, phương pháp giáo dục nhìn chung vẫn còn lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng

Ngoài việc áp dụng công nghệ trình chiếu, hình thức, phương pháp giáo dục lý luận chính trị hiện nay về cơ bản không có gì khác so với mấy chục năm về trước. Trong học tập lý luận, phương pháp tuy có đổi mới nhưng về cơ bản vẫn còn đơn điệu, giải thích một chiều, chưa sát đối tượng và chưa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Trong học tập các chuyên đề, nghị quyết, phương pháp vẫn mang tính truyền thống là thuyết trình, độc thoại có tính chất áp đặt. Việc phổ biến nghị quyết của trên chủ yếu là đọc nguyên văn tài liệu. Hiện tượng phổ biến là người học thụ động nghe, ghi chép chỉ để phục vụ thi, kiểm tra.

Đáng chú ý là tần xuất sử dụng các hình thức bổ trợ như mít tinh, thi tìm hiểu… những năm gần đây được lặp lại quá nhiều. Các ngày lễ kỷ niệm hầu như tháng nào cũng có nhưng cách thức tổ chức không mới. Hiện nay, các cấp, các ngành đang có xu hướng lạm dụng hình thức học trực tuyến, tuy tiết kiệm được thời gian, kinh phí nhưng hiệu quả truyền niềm tin, cảm hứng không cao. Hình thức thi tìm hiểu, thi báo cáo viên giỏi có tình trạng sao chép, học thuộc lòng chỉ để “diễn” gây tốn kém thời gian, tiền bạc mà không mang lại hiệu quả như mong muốn. Hình thức văn hoá, văn nghệ còn nặng về tuyên truyền chính trị một cách cứng nhắc, chưa phù hợp với nhu cầu thị hiếu của tuổi trẻ.

Giải pháp đầu tiên trong Kết luận 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”là phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Trong đó, phải tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân. Để hiện thực hóa nhiệm vụ, giải pháp này, vấn đề đầu tiên là phải tạo ra động lực từ bên trong thúc đẩy cán bộ, đảng viên tích cực, tự giác trong học tập, khắc phục cho được tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị.

ĐỂ HỌC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ THỰC SỰ, THỰC CHẤT

Để khắc phục từng bước căn bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị phải tiến hành đồng bộ các giải pháp cả ở phía người học và công tác giáo dục lý luận chính trị của cấp ủy, trước mắt cần tập trung vào một số biện pháp sau đây:

Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên. Căn nguyên chủ yếu nhất dẫn đến bệnh “lười học tập lý luận chính trị” là do bản thân cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của lý luận nói chung, lý luận chính trị nói riêng trong hoạt động thực tiễn. Vì vậy, để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của học tập lý luận chính trị, biện pháp quan trọng hàng đầu là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thấy rõ việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận là quyền lợi và trách nhiệm của mình; coi đó là nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ suốt cuộc đời, không bao giờ là đủ. Kiên quyết đấu tranh, khắc phục triệt để quan niệm học lý luận chính trị vì lý do thăng tiến, lấy bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn. Các cơ quan, đơn vị phải coi nhận thức chính trị là tiêu chuẩn hàng đầu trong tuyển dụng cán bộ. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị cần xem kết quả học tập lý luận chính trị hằng năm là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, sử dụng cán bộ, cũng như để đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên và tổ chức đảng, v.v… Để tăng tính chủ động của đối tượng cần minh bạch hóa tiêu chuẩn về bằng cấp, chứng chỉ về lý luận chính trị của từng chức vụ, tránh tình trạng luôn thay đổi bổ sung, gây hoang mang, bị động cho người học.

Hai là, đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục lý luận chính trị trong toàn Đảng và hệ thống chính trị. Đây là giải pháp quan trọng, có tác động trực tiếp đến các chủ thể của công tác giáo dục lý luận, chính trị. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, các học viện, trường chính trị, đội ngũ giảng viên, báo cáo viên cần chú trọng nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung sao cho thiết thực và nhất thiết phải gắn với thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới. Theo đó, lý luận chính trị phải góp phần giải quyết, lý giải những vấn đề mới, hóc búa từ thực tiễn đặt ra cả ở tầm vĩ mô và vi mô, kể cả việc vận dụng trong giải quyết những công việc cụ thể. Có như vậy, việc học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên mới có ý nghĩa thực sự và tránh được tình trạng “dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được”, hoặc “lý luận suông”. Nghĩa là, phải đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị theo hướng: lý luận phải gắn liền với thực tiễn, phục vụ nhu cầu công tác của cán bộ, đảng viên. Cùng với đổi mới nội dung, chương trình, cần thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục lý luận chính trị, theo hướng kích thích sự hứng thú cho người học. Bởi lẽ, mục đích của việc học tập lý luận chính trị là để thấm nhuần quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào từng nhiệm vụ, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục có tác động trực tiếp đến động cơ, thái độ học tập của cán bộ, đảng viên, tạo cho họ lòng say mê, thường xuyên tự học tập, tự tu dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị, đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Ba là, đổi mới phương thức tiến hành giáo dục lý luận chính trị theo hướng số hóa, phù hợp với đặc thù vừa học, vừa làm của cán bộ, đảng viên.

Hiện nay hệ thống chương trình, giáo trình phục vụ giáo dục lý luận chính trị theo các khung trình độ sơ cấp, trung cấp, cao cấp lý luận đã được chuẩn hóa. Trên cơ sở đó, có thể lựa chọn những giảng viên giỏi giảng bài và ghi hình và đưa lên mạng xã hội nội bộ. Cán bộ, đảng viên ở vị trí công tác nào phải đáp ứng trình độ lý luận chính trị tương ứng có thể tranh thủ thời gian tự học, tự nghiên cứu và làm bài tập, trả lời câu hỏi trắc nghiệm tích hợp trong bài giảng đã được số hóa. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị chỉ tập trung học viên về trường trong một thời gian ngắn để củng cố, giải đáp, thảo luận, tham quan, thu hoạch, thi tốt nghiệp. Cần thay đổi hình thức thi, kiểm tra bằng vấn đáp, trắc nghiệm để cán bộ, đảng viên hiểu thực chất kiến thức và khắc phục tình trạng gian lận trong thi cử. Làm như vậy sẽ kết hợp được ưu thế của hình thức học trực tuyến và trực tiếp, đồng thời linh hoạt về thời gian để cán bộ, đảng viên có thể vừa học, vừa thực hiện nhiệm vụ theo chức trách của mình.

Đất nước đang bước vào thời kỳ mới với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện “bốn kiên định” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Để có được sự kiên định, niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa không có con đường nào khác là phải học tập lý luận chính trị một cách thực sự, thực chất. Hơn lúc nào hết, việc cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cộng với tinh thần tích cực, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên sẽ là giải pháp cơ bản góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm, có trí tuệ và đạo đức đủ sức lãnh đạo đất nước tiến tới phồn vinh và hạnh phúc trong thời kỳ mới.

Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ báo cáo viên, giảng viên lý luận chính trị cả về phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn. Đây vấn đề rất quan trọng, góp phần thiết thực trong khắc phục tình trạng lười học tập lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên hiện nay. Bởi lẽ, giảng dạy lý luận chính trị suy đến cùng là truyền cảm hứng, niềm tin khoa học vào hệ tư tưởng, đường lối của Đảng, nếu người đi giáo dục thiếu niềm tin, hoặc nói một đằng làm một nẻo, thậm chí sa vào tham nhũng, đục khoét của dân thì không thể truyền được niềm tin cho người khác. Hơn nữa, một trong những quan niệm khá phổ biến hiện nay trong cán bộ, đảng viên và quần chúng là học tập lý luận chính trị thường “khó và khô”. Do vậy, đội ngũ giảng viên, giáo viên, báo cáo viên phải thường xuyên trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện để có trình độ kiến thức lý luận chính trị sâu sắc, kiến thức thực tiễn sâu rộng, phong phú, năng lực sư phạm tốt, phương pháp truyền đạt hấp dẫn để cuốn hút người học, góp phần khắc phục bệnh lười học của cán bộ, đảng viên.

TS. Lương Ngọc Vĩnh/TG
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 65

Máy chủ tìm kiếm: 1

Khách viếng thăm: 64

Hôm nay: 17,945

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 397,875

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,108,192

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây