Nỗ lực hơn để giảm tỷ lệ hút thuốc lá

Thứ ba - 07/01/2020 22:12 915 0

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 18-6-2012 và có hiệu lực từ ngày 1-5-2013. Hơn 6 năm qua, nhận thức về tác hại của thuốc lá đã tăng lên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cần nỗ lực vượt qua để có được môi trường không khói thuốc. 

2

TRUYỀN THÔNG NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

Sau khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được ban hành, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhiều nhóm đối tượng với nhiều nội dung, hình thức khác nhau. Nhìn chung các hoạt động tuyên truyền về tác hại thuốc lá, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và các văn bản quy định chi tiết được phổ biến đến người dân một cách rộng rãi, kịp thời, đầy đủ, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, có chú trọng đến các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của công chức, viên chức, người lao động về việc hút thuốc cũng như nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy tại nơi công cộng và nơi làm việc. 

Theo đánh giá chung của các cơ quan Trung ương và địa phương, trung bình trên 90% cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan ban ngành và 65% người dân các tỉnh huyện xã được tiếp cận thông tin về tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các quy định về nơi làm việc không khói thuốc.

Nghiên cứu đánh giá hằng năm đối với các chiến dịch truyền thông của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá thực hiện trong giai đoạn 2014-2018 cho thấy, hiểu biết của người dân về tác hại của hút thuốc lá thụ động đã tăng đáng kể. Năm 2018, có 92% những người được hỏi tin rằng tiếp xúc với thuốc lá thụ động gây ra các bệnh về phổi (so với 86% vào năm 2016). 96% người được hỏi trả lời rằng quan tâm đến sức khỏe của con cái khi hút thuốc gần con mình; 93% người đề nghị mọi người nên yêu cầu người hút thuốc không hút thuốc gần người khác và 96% cho biết mọi người nên yêu cầu người hút thuốc không hút thuốc khi ở gần trẻ em.

Thực hiện triển khai đưa Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vào cuộc sống, đến nay, đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường hiểu học, 2.502 trường trung học cơ sở, 1.010 trường trung học phổ thông thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà. 169 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc thực hiện cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà…

Bộ Y tế, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã triển khai xây dựng các mô hình địa điểm không khói thuốc như “thành phố du lịch không khói thuốc - thành phố Hạ Long, Nha Trang, Hội An, Vũng Tàu”, “khách sạn, nhà hàng không khói thuốc”, “điểm du lịch không khói thuốc - 30 điểm du lịch quận Hoàn Kiếm”, “cơ sở y tế không khói thuốc”, “trường học không khói thuốc”. Các sáng kiến về thực hiện mô hình không khói thuốc cũng được triển khai ở cơ sở như sự tham gia của người cao tuổi ở Thái Bình và Đồng Tháp, xây dựng địa điểm thi đấu thể thao trong nhà không khói thuốc lá của Trung tâm Doping và Y học thể thao - Tổng cục Thể thao...

Đến nay, cả nước đã có một mạng lưới tổ chức hoạt động cai nghiện thuốc lá quốc gia gồm 24 bệnh viện, trong đó có những bệnh viện chuyên khoa có liên quan đến các bệnh có sử dụng thuốc lá và có lượng bệnh nhân lớn. 10 bệnh viện đã xây dựng kế hoạch hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá hằng năm như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới, Bệnh viện E, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Báo cáo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 cho biết, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể so với năm 2010 ở hầu hết các địa phương: tại gia đình giảm từ 73,1% xuống còn 59,9%; tại nơi làm việc từ 55,9% xuống còn 42,6%, tại cơ sở y tế từ 23,6% xuống 18,4%... Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 5 năm qua đã có 195 nghìn công nhân viên chức lao động bỏ thuốc lá, hơn hai trăm nghìn đoàn viên, công nhân viên chức giảm hút thuốc lá. Giai đoạn 2015-2018, theo báo cáo của 6 bệnh viện, đã có hơn năm nghìn số lượt tư vấn tại phòng tư vấn cai nghiện và tại các khoa lâm sàng, gần 45 nghìn lượt tư vấn qua tổng đài. Số ca cai nghiện thuốc lá thành công từ một năm trở lên là 842 bệnh nhân.

CÒN NHIỀU RÀO CẢN

Việc tổ chức địa điểm cấm hút thuốc đã được triển khai ở hầu hết các địa điểm theo Điều 11 của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, bao gồm: nơi làm việc; cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng và các phương tiện giao thông công cộng. Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Y tế, hoạt động cai nghiện thuốc chủ yếu mới được triển khai ở bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. Người dân ở tuyến dưới và cộng đồng vẫn chưa được tiếp cận nhiều nên kết quả chưa cao.

Việc thực hiện môi trường không khói thuốc còn gặp khó khăn do hành vi hút thuốc diễn ra nhanh, khó bắt tận tay. Phản ứng của người hút thuốc lá nhiều lúc gay gắt. Các địa điểm cấm hút thuốc lá thường không đủ lực lượng giám sát, nhắc nhở và không có thẩm quyền xử phạt. Các trường cao đẳng, đại học chỉ cấm hút thuốc lá trong nhà, cho phép hút thuốc lá trong khuôn viên nên vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc lá tại các khu vực ít người qua lại như ban công, hành lang, cầu thang, căng tin... Việc thực hiện môi trường không khói thuốc ở địa điểm nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú du lịch còn nhiều hạn chế. Đây là những địa điểm còn tình trạng vi phạm phổ biến nhất.

Bên cạnh đó, hoạt động cai nghiện thuốc lá còn khó khăn về cơ chế, kinh phí thực hiện. Đội ngũ bác sĩ còn thiếu về số lượng và quá tải trong hoạt động chuyên môn nên thời gian bố trí cho hoạt động tư vấn cai nghiện tại bệnh viện còn hạn chế.

Việc xử lý hình sự liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá chủ yếu giải quyết đối với các vụ án hình sự liên quan đến buôn lậu thuốc lá, sản xuất thuốc lá giả, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới hoặc sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu.

NỖ LỰC HƠN VÌ MỘT MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÓI THUỐC

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ lên tới trên 1,6 tỷ người. Theo WHO, 70% các ca tử vong là ở các nước đang phát triển. Nếu các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả không được thực hiện, thì trong thế kỷ này, thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người, nhiều hơn tổng số người chết do HIV/AIDS, bệnh lao và tai nạn giao thông đường bộ cộng lại.

Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của nhiều bệnh và thương tật, gây mất khả năng lao động, tử vong sớm và trở thành gánh nặng kinh tế của xã hội. So sánh với các nguy cơ khác, nguy cơ tử vong sớm so hút thuốc lá là rất cao. Một nửa những người thường xuyên hút thuốc lá bị chết sớm do hút thuốc lá và một nửa trong số này chết ở độ tuổi trung niên, mất khoảng từ 15 năm đến 20 năm của cuộc sống. Tại các nước có thu nhập cao, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi, ngược lại sử dụng thuốc lá đang có xu hướng gia tăng tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong khu vực ASEAN, có 121 triệu người trưởng thành hút thuốc lá, các quốc gia ASEAN đã phải chi nguồn ngân sách đáng kể cho y tế liên quan đến hút thuốc lá, gấp nhiều lần so với thu ngân sách từ thuế thuốc lá đem lại.

Sử dụng các sản phẩm thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu trong số 10 yếu tố nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau, như ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư bàng quang, các bệnh tim mạch, gây bất lực ở nam giới… Đây là sản phẩm hợp pháp duy nhất làm chết một nửa số người sử dụng thường xuyên nó cùng hàng trăm nghìn người không hút thuốc lá khác. Trên thế giới, có khoảng 6 triệu người chết do hút thuốc lá hằng năm và 600.000 người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động.

Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trong khu vực các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 có số người hút thuốc lá cao nhất, sau Indonesia và Philippine. Theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3%, có nghĩa là cứ 2 nam giới trưởng thành ở Việt Nam thì có 1 người hút thuốc lá. Tỉ lệ này ở nữ giới là 1,1%. 53,5% người không hút thuốc lá (tương đương 28,5 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại gia đình. 36,8% người không hút thuốc lá (tương đương 5,9 triệu người) làm việc tại các khu vực trong nhà (có mái che và tường bao) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nơi làm việc. 18,5% người không hút thuốc lá (tương đương 1,4 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trên phương tiện giao thông công cộng. Ước tính chi phí y tế và các thiệt hại do mất năng suất lao động do ốm đau và tử vong sớm lên tới trên 23 ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Các chuyên gia cũng cảnh báo một thách thức nữa với công tác phòng chống tác hại thuốc lá là sự xuất hiện của các loại thuốc lá mới, như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Shisha. Các loại thuốc lá mới này chủ yếu pha trộn các hương liệu với nicotine, dẫn đến có khả năng trộn lẫn ma túy nên nguy cơ gây hại với sức khỏe là rất lớn. Để kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là sản phẩm thuốc lá mới trên môi trường mạng, youtube, mạng xã hội, facebook…, hiện Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp kiểm soát chặt chẽ môi trường internet đối với loại hình thuốc lá. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ…

Mặc dù số người hút thuốc lá có xu hướng giảm do ý thức tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường, nhưng Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc lá xuống còn 39% vào năm 2020. Trong đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và cả xã hội về tác hại của việc hút thuốc lá; khơi dậy thế hệ trẻ nói không với thuốc lá; tuyên truyền việc thực hiện đúng các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Công ước khung FCTC. Đồng thời, tăng cường quản lý và phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc giám sát và xử lý các vi phạm về quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị của các công ty thuốc lá trên báo chí./.

Nhật Quang/TG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 66

Máy chủ tìm kiếm: 3

Khách viếng thăm: 63

Hôm nay: 14,765

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 394,695

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,105,012

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây