Quyết liệt, hiệu quả trong bảo vệ trẻ em

Chủ nhật - 28/08/2022 21:01 218 0

UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị các cấp ngành liên quan quan tâm, tiếp tục tăng cường hiệu lực hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.

2
Hãy chung tay tạo cho trẻ em môi trường sống an toàn, lành mạnh. Ảnh: KIM CHI

Trước đó, từ thực trạng trẻ em liên tục bị bạo hành, xâm hại, Bộ LĐ-TB-XH đã có công điện đề nghị các địa phương tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Nhức nhối bạo hành trẻ em

Thời gian gần đây trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành và xâm hại trẻ em đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp về quy mô, thủ đoạn và cách thức thực hiện. Thống kê từ Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, trong 7 tháng đầu năm nay có 266 cuộc gọi liên quan đến tư vấn, hỗ trợ vấn đề xâm hại trẻ em.

Nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bạo hành do người quen biết hoặc người thân trong gia đình gây ra. Điển hình như vụ cháu bé ba tuổi bị người quen biết đánh đến ngất, sau đó bỏ vào thùng giấy và cho vào tủ đông xảy ra tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, gây phẫn nộ trong xã hội. Sau khi phát hiện, cháu bé này đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu kịp thời.

Tại Phú Yên, vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) cách đây không lâu, đã được các cơ quan chức năng xử lý. Bà Nguyễn Thị Điệp, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây cho biết: Vụ việc xảy ra vào tháng 5 vừa qua. Bà Dương Thị Thọ (SN 1979) trú thôn An Hòa, xã Đức Bình Tây, đã dùng thanh tre dài 70cm đánh cháu V.L.H.T (SN 2007) là con riêng của chồng bà, gây thương tích ở phần mông, hai cánh tay và một vết lằn dưới mắt trái. Sau đó, vụ việc được bà con phát hiện và trình báo công an xã. Chính quyền địa phương đã tiến hành làm rõ và có biện pháp xử lý theo quy định.

Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH), ngoài trường hợp trẻ em bị bạo hành xảy ra ở xã Đức Bình Tây, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh còn có một trường hợp trẻ em bị bỏ rơi xảy ra ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh).

“Để tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB-XH đã tổ chức các lớp truyền thông, vận động xã hội về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại các trường học, cộng đồng trên địa bàn tỉnh với hơn 660 lượt người tham dự. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ của cộng đồng, gia đình, nhà trường về công tác này”, ông Kiên cho biết thêm.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp 

Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tích cực triển khai công tác bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, nhất là công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB-XH chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp bảo vệ trẻ em theo ba cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp theo Luật Trẻ em năm 2016; ưu tiên, bố trí nguồn lực để bảo đảm việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em nhỏ tuổi có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ LĐ-TB-XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB-XH chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp bảo vệ trẻ em theo ba cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp theo Luật Trẻ em năm 2016; ưu tiên, bố trí nguồn lực để bảo đảm việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

Theo đó, Sở LĐ-TB-XH và các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan sẽ tổ chức nắm bắt tình hình về trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nhất là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội.

Đồng thời, sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình; hướng dẫn gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ; kịp thời phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

KIM CHI/PYO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 75

Hôm nay: 16,892

Hôm qua: 16,487

Tháng hiện tại: 383,944

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,094,261

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây