Đang truy cập: 132
Hôm nay: 17,490
Hôm qua: 18,245
Tháng hiện tại: 132,802
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 9,843,119
- Đang truy cập132
- Hôm nay17,490
- Tháng hiện tại132,802
- Tổng lượt truy cập9,843,119
Bài cuối: Khi lòng dân đã thuận
“Lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch”, là sự khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của địa bàn cơ sở; đồng thời đề cao tầm quan trọng của nhân dân đối với sự thành bại trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19. Như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Pháo đài - chiến sĩ - an dân để phòng chống dịch
Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, “lấy xã, phường là pháo đài phòng, chống dịch” bởi xã/phường là nơi cư trú, sinh sống của người dân. Hệ thống chính trị ở xã, phường là nơi sát dân nhất, hiểu dân nhất, là cầu nối quan trọng triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương; đồng thời nắm rõ tình hình, điều kiện sinh sống của người dân trong lúc dịch bệnh để tham mưu cấp trên có chính sách kịp thời.
Mỗi người dân là chiến sĩ được hiểu là sự chung sức, chung lòng tham gia những phần việc nhỏ nhất theo sức của mình phù hợp với quy định, nguyên tắc phòng, chống dịch. Người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch bởi nhân dân là thành phần đông đảo nhất trong xã hội, mà “giặc COVID-19” tấn công vào bất cứ ai.
Mặt khác, sức mạnh của nhân dân là sức mạnh tổng hợp, có thể dời non lấp bể, do đó việc huy động sức dân, làm cho mọi người dân đồng tình và chủ động, tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 nhằm phát huy sức mạnh tổng lực để sớm khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chiến thắng kẻ thù vô hình đặc biệt nguy hiểm này.
Nói chuyện với lãnh đạo các xã/phường khi đi kiểm tra công tác chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương nhấn mạnh: Muốn xã, phường thật sự trở thành pháo đài chống dịch hiệu quả thì đòi hỏi đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền phải xây dựng các phương án, kế hoạch “tác chiến” có tổ chức, khoa học, phù hợp với thực tế địa phương, gắn với trách nhiệm cá nhân trên từng vị trí công tác.
Để người dân trở thành chiến sĩ, là trung tâm, là chủ thể trong công tác phòng chống dịch, chính quyền phải làm tốt việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân hiểu biết và nắm được các kỹ năng cơ bản trong phòng, chống dịch. Đặc biệt là công tác an dân, chăm lo, đảm bảo các điều kiện sống cho người dân để họ yên tâm chống dịch.
“An dân không phải điều gì xa xôi, mà phải thực sự thiết thực, như: không để người dân trong khu phong tỏa thiếu thốn lương thực, thực phẩm; kịp thời chi trả tiền hỗ trợ của Nhà nước, hỗ trợ nhu yếu phẩm; là chăm lo thuốc men, chữa bệnh ngay tại chỗ, là giúp đỡ người dân thu hoạch nông sản khi họ bị phong tỏa, coi sóc nhà cửa khi cả nhà họ phải đi cách ly, điều trị…”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương nói.
Xã An Chấn (huyện Tuy An) sau một thời gian tạm lắng, từ ngày 9/9 đến nay phát hiện gần 40 ca F0, phải phong tỏa 4 thôn, với hơn 2.000 hộ (gần 8.000 khẩu). Phương án an dân, phòng chống dịch rất cụ thể: Phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ người ra vào, tinh thần ai ở đâu ở yên đấy, triển khai các biện pháp chuyên môn truy vết, lấy mẫu xét nghiệm… đặc biệt là chăm lo đời sống nhân dân trong khu phong tỏa.
Tổ COVID cộng đồng phát phiếu ghi nhận yêu cầu nhu yếu phẩm, giao hàng tận nhà, cứ 5 ngày một lần; trạm xá lưu động được kích hoạt, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tận nơi; phân công lực lượng hỗ trợ bà con thu hoạch lúa… để người dân trong vùng phong tỏa yên tâm ở yên tại chỗ phòng, chống dịch.
Bảo vệ vùng xanh của cộng đồng
Từng là “điểm nóng” của dịch COVID-19, đến nay, Phú Yên vào nhóm các địa phương kiểm soát dịch tốt nhất. Trên bản đồ COVID tỉnh, màu xanh đã chiếm hầu hết. Các địa phương, nhân dân đang ra sức bảo vệ vùng xanh, bảo vệ thành quả chống dịch để sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa), cho biết đến nay hơn 2 tháng, Hòa Xuân Tây không có ca nhiễm mới. Phường thành lập 9 chốt kiểm soát, huy động, phân công lực lượng tự quản bảo vệ vùng xanh. “Tổ trực chốt kiểm tra hoạt động từ sáng sớm đến 22 giờ đêm. Tuyên truyền người dân vùng xanh tuân thủ quy tắc 5K, kiên quyết không cho qua chốt và hướng dẫn những trường hợp về từ vùng dịch đến Trạm Y tế phường khai báo y tế; những người làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa như: shipper, taxi... chỉ được giao hàng hóa tại chốt”, ông Huỳnh Ngọc Sơn, Tổ trưởng Tổ COVID cộng đồng khu phố Bàn Nham Nam nói.
Với các địa bàn miền núi, điều đáng mừng là người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã ý thức rất tốt về phòng, chống dịch để bảo vệ mình và cộng đồng. Ma Si Li, một trong 22 người nhiễm SARS-CoV-2 ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) cảm nhận rõ những lo sợ khi phải chống chọi với COVID-19. Sau khi khỏi bệnh, anh đã tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng dịch để bà con làm theo. “Người đồng bào có thói quen làm việc, ăn uống tập thể dù có việc vui hay việc buồn. Nay phải thay đổi thôi, ai ở nhà nấy, ra rẫy làm rồi về nhà” Ma Si Li nói.
Đến nay, 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân đã được nới lỏng giãn cách xã hội, thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ. Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Lơ Mô Tu cho biết, toàn huyện có 37 ca F0; đã hơn 2 tháng, trên địa bàn huyện không có ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, địa phương xác định phải liên tục tuyên truyền, nhắc nhở người dân không chủ quan lơ là, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
“Hơn lúc nào hết, chi bộ thôn, buôn tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác phòng chống dịch. Các địa phương hết sức cảnh giác và giữ vững vùng xanh, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Lơ Mô Tu khẳng định.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Thanh Toàn, để góp phần bảo vệ vùng xanh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, các cấp chính quyền cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu, tin và làm theo, từ đó nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch.
Điều quan trọng nhất là người dân tin tưởng, ủng hộ, chia sẻ với các biện pháp, phương án chống dịch trong từng thời điểm cụ thể.
Đã hơn 4 tháng, các hoạt động kinh tế bị đình trệ, có những lĩnh vực bị đóng cửa hoàn toàn, doanh nghiệp điêu đứng. Vậy nhưng trong khó khăn bủa vây, tinh thần thiện nguyện vì an sinh cộng đồng đã được thổi bùng lên và lan tỏa. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, từng cán bộ, đảng viên, người dân chia sẻ một phần thu nhập của mình để góp phần hỗ trợ người dân khó khăn trong vùng dịch, những bà con xa quê trở về. Những chuyến hàng từ thiện, cứu trợ, những bếp ăn 0 đồng dành cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến hoạt động hoàn toàn tự nguyện từ kinh phí quyên góp được mở ra và duy trì…
Tất cả những điều đó xuất phát từ niềm tin với Đảng với Nhà nước trong cuộc chiến chống “giặc COVID”, mỗi người một tay tạo nên sức mạnh to lớn cùng cả tỉnh, cả nước đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh, sớm trả lại cuộc sống bình thường mới.
Ký một lệnh phong tỏa, áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội không khó. Cái khó là chúng ta cần sẵn sàng phương án chăm lo đời sống cho người dân, đi kèm với các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Người dân không đi làm một bữa đã khó, hai bữa đã lo, ba bữa… là đói. Vì vậy, trong cuộc chiến chống dịch, việc gì tốt nhất cho nhân dân thì chính quyền phải làm thật sớm, thật nhanh, đặc biệt là chăm lo công tác an sinh. Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh
|
THÙY THẢO - TRẦN QUỚI/PYO
Liên kết website
Đang truy cập: 132
Hôm nay: 17,490
Hôm qua: 18,245
Tháng hiện tại: 132,802
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 9,843,119