Không để giá hàng hóa, thực phẩm tăng cao

Thứ ba - 03/08/2021 21:03 186 0

Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu lương thực, thực phẩm, mặt hàng y tế… gia tăng nhưng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, địa phương, sự chung tay của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hàng hóa luôn được điều tiết và giữ giá ổn định. 

3
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại một siêu thị ở TP Tuy Hòa. Ảnh: PV

Không tăng đột biến

Theo thông tin từ Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường tỉnh, từ cuối tháng 6 đến nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sức mua hàng hóa của người dân tăng cao, nhất là các mặt hàng thiết yếu, vì vậy giá cả lương thực, thực phẩm, rau củ quả tăng nhẹ trong thời gian ngắn, nhưng không có dấu hiệu tăng giá đột biến. Hàng hóa tại các chợ, điểm bán, siêu thị... vẫn đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân, không có tình trạng khan hiếm, đầu cơ, tích trữ hàng hóa hoặc tăng giá quá mức. Chỉ tính trong khoảng 10 ngày trở lại đây, giá thịt heo dao động từ 130.000-150.000 đồng/kg, thịt bò 220.000-270.000 đồng/kg, thịt gà 85.000-110.000 đồng/kg, cá ngừ, cá chù giữ mức 100.000-150.000 đồng/kg. Giá gạo, rau củ quả, trứng... bán trên thị trường không biến động tăng.

Bà Huỳnh Thị Thảo ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, chia sẻ: Giá thực phẩm không có dấu hiệu tăng bất thường nhưng có trường hợp chênh lệch giá giữa các cơ sở bán trực tiếp ở chợ, siêu thị với bán online. Cụ thể, giá thực phẩm, hàng hóa ở các điểm bán cố định, siêu thị cửa hàng tương đối bình ổn, nhưng một số loại thực phẩm bán ở chợ có tăng giá, còn các trang bán online thì thấp hơn nhiều. Tuy giá có chênh lệch giữa các hình thức bán hàng, song vẫn có thể chấp nhận được trong thời điểm dịch bệnh khó khăn.

Nói đến việc giá một số loại thực phẩm ở chợ tăng, chị Trần Thị Lan, tiểu thương chợ phường 7, TP Tuy Hòa, cho rằng: Nếu mua các loại thực phẩm tươi sống có nguồn cung dồi dào thì giá rẻ, còn với tình hình như hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa từ địa phương khác đến không dễ, chi phí tăng… nên giá cao là khó tránh khỏi. Mức giá thực phẩm hiện tại chỉ tăng nhẹ trong những ngày ít hàng chứ không có dấu hiệu tăng bất thường. Và đa số tiểu thương cũng chỉ bán theo giá thị trường, không tự ý tăng để trục lợi, làm khó người dân.

Giữ giá ổn định để hỗ trợ người dân

Ông Võ Phụng Thiệu, quản lý Cửa hàng Co.op Food PY Chí Thạnh (huyện Tuy An) cho hay: Tất cả mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm đều được cửa hàng bán với giá ổn định, không tăng kể cả khi sức mua của người dân tăng cao. Thậm chí tại thời điểm này, nhiều mặt hàng còn được giảm giá từ 10-15%. Chúng tôi cũng liên kết với các nhà cung cấp để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ tốt nhất cho người dân.

Còn theo bà Phạm Thị Hằng Vy, đại diện Siêu thị V’Mart (TP Tuy Hòa), ngoài điểm bán tại đường Hùng Vương, cơ sở còn tổ chức một điểm bán lưu động ở khu vực phường Phú Đông, TP Tuy Hòa. Nguồn thực phẩm siêu thị đang cung cấp đa số là hàng tại chỗ, tự nuôi, trồng và từ các hộ dân trong tỉnh; do đó giá ổn định từ trước đến nay.

Với các mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn, thiết bị y tế, các điểm bán trên địa bàn tỉnh cũng đủ hàng để đáp ứng nhu cầu người dân, không có tình trạng khan hiếm, đầu cơ... Ông Nguyễn Văn Nguyên, chủ hiệu thuốc tây ở phường 5, TP Tuy Hòa, nói: Biết được tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên chúng tôi đã liên hệ các nhà cung cấp để đặt khẩu trang, nước sát khuẩn, vật tư y tế cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu người dân. Vì nguồn hàng không đứt quãng nên giá bán không tăng, thậm chí còn phổ biến nhiều loại để người dân lựa chọn.

Theo UBND huyện Phú Hòa, từ khi dịch bệnh bùng phát, các địa phương trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền để người dân nắm bắt quy định về giá cũng như chất lượng hàng hóa, thực phẩm; đồng thời giám sát, theo dõi tình hình diễn biến giá cả thị trường. Đến thời điểm này, lương thực, thực phẩm… vẫn được bán với giá ổn định.

Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng hàng hóa, thực phẩm không thiếu và người dân có nhiều hình thức mua hàng. Thông thường tâm lý người dân đã quen ra chợ mua thực phẩm vì nghĩ thực phẩm bán ở chợ sẽ tươi, ngon, nhưng cũng rất nhiều người mua ở các điểm bán vì tiện lợi, hàng hóa an toàn, chất lượng. Sở Công thương thường xuyên theo dõi, nhắc nhở các điểm bán thực hiện bán hàng bình ổn giá, đảm bảo công tác phục vụ, phòng, chống dịch.

Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa thiết yếu, các mặt hàng phòng, chống dịch, góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mỗi ngày, đơn vị đều nắm bắt thông tin và có thống kê cụ thể giá các loại mặt hàng để có biện pháp xử lý kịp thời. Với việc xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, mới đây, đơn vị đã nhắc nhở một số trường hợp; xử lý vi phạm 1 trường hợp, phạt tiền 750.000 đồng và yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về giá.

Ông Phạm Thanh Hiền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh

 ANH KHANG/PYO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 66

Máy chủ tìm kiếm: 1

Khách viếng thăm: 65

Hôm nay: 19,435

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 401,636

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,111,953

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây