Để chúng ta không bị COVID-19 “nhốt” mãi trong “lồng giãn cách”

Thứ bảy - 07/08/2021 05:12 207 0

Theo đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên: Trong trường hợp SARS-CoV-2 có những biến thể mạnh hơn, kháng được vắc xin như nhận định của các chuyên gia, chúng ta sẽ phải sẵn sàng “sống chung với lũ” cho đến khi có thuốc điều trị đủ hiệu quả và đủ rẻ đối với mọi người. 

1
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu tại cuộc họp trực tuyến có sự tham dự của PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - ẢNH: YÊN LAN

Để có thể “chung sống” an toàn với COVID-19, người dân phải được cung cấp đủ thông tin, chủ động nắm bắt và phòng tránh dịch bệnh thông qua một thiết chế đủ thông minh và thuận tiện.

Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với Báo Phú Yên về việc triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm giúp công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn, thuận tiện hơn, đồng thời giúp an dân và phát triển kinh tế - xã hội. 

Thưa Bí thư Tỉnh ủy, dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp. Đồng chí nhận định thế nào về dịch bệnh, các giải pháp chúng ta đang thực hiện hiện nay?

- TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chủ yếu là thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng mục tiêu hướng tới, để đẩy lùi được dịch là phải tiêm vắc xin với độ bao phủ rộng, đạt miễn dịch cộng đồng càng nhanh càng tốt.

Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy khi tiêm đủ liều vắc xin thì nguy cơ từ COVID-19 sẽ giảm đi nhiều. Mặc dù vẫn có thể nhiễm bệnh, nhưng người đã tiêm đủ vắc xin thì sẽ không bị nặng, ít nhất là đối với các biến chủng đã xuất hiện cho đến nay. Và như thế, chúng ta sẽ không bị quá tải và không bị khủng hoảng. Sự an toàn tính mạng của mọi người dân sẽ được đảm bảo.

Nhưng cũng chính vì vắc xin không giải quyết được triệt để dịch bệnh, và có thể sẽ có những biến thể SARS-CoV-2 mạnh hơn, kháng được vắc xin - như nhận định của các chuyên gia, thì chúng ta cũng sẽ phải sẵn sàng với tình huống “sống chung với lũ”. Chí ít là đến khi có thuốc điều trị đủ hiệu quả, và quan trọng là, đủ rẻ cho tất cả mọi người.

Sống chung với COVID-19, nhưng người dân phải được an toàn, đồng thời, cũng phải đủ thuận tiện để có thể sinh sống và tham gia đóng góp phát triển kinh tế - xã hội. Muốn như thế, người dân phải được cung cấp đủ thông tin, chủ động nắm bắt và phòng tránh dịch bệnh thông qua một thiết chế đủ thông minh và thuận tiện cho tất cả mọi người. Đó chính là lúc chúng ta cần đến công nghệ. 

* Xin đồng chí nói cụ thể hơn về ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch?

- Với các giải pháp định danh cá nhân, các phương thức kiểm soát và với nỗ lực tích hợp dữ liệu thì chúng ta dễ dàng biết được tình trạng y tế của một cá nhân. Từ việc đã tiêm vắc xin chưa, kết quả xét nghiệm gần nhất là như thế nào, có di chuyển qua các vùng nguy cơ cao không…. Thông qua mã QR cá nhân, người dân có thể thuận tiện đi qua các chốt kiểm soát tự động. Các ứng dụng thông minh cũng sẽ kịp thời thông tin tới người sử dụng về các mối nguy cơ tại các khu vực liên quan.

Ngoài ra, các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe cá nhân sẽ giúp cơ quan chức năng, đội ngũ y tế giám sát tình trạng sức khỏe bệnh nhân để kịp thời tư vấn từ xa, thay vì phải luôn trực chiến. Có rất nhiều ứng dụng công nghệ giúp công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn, và giúp chúng ta thoải mái, thuận tiện hơn. Vấn đề là, chúng ta có sẵn sàng thay đổi thói quen để tiếp nhận công nghệ mới hay không. 

* Thưa đồng chí, hiện Phú Yên triển khai việc này như thế nào?

- Ngay từ giai đoạn đầu chống dịch, Phú Yên xác định cần phải đúc rút kinh nghiệm của các địa phương đi trước, thực hiện tốt các hướng dẫn của Trung ương, của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, của Bộ Y tế… Đồng thời, chúng tôi từng bước ứng dụng công nghệ để hỗ trợ các khâu như truy vết, xét nghiệm...

Việc ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch ban đầu gặp không ít trở lực vì đa phần cán bộ, công chức, người lao động và cả người dân quen với thói quen cũ, ngại thay đổi. Do đó, chúng tôi chọn cách tiếp cận từng bước, để cán bộ và người dân thấy lợi ích và quen dần với việc sử dụng các công nghệ, tiến tới triển khai rộng hơn, sâu hơn.

Hiện nay, Phú Yên đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia và Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Chính phủ để đưa các giải pháp công nghệ vào tất cả các khâu phòng chống dịch.

Chúng tôi tin tưởng rằng việc triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ này sẽ giúp công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn, thuận tiện hơn. Ví dụ như việc ứng dụng kiểm soát ra vào các điểm bằng mã QR thì công tác truy vết sẽ rất nhanh và hiệu quả. Hay việc ứng dụng mã QR vào trong lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm qua Bluezone thì sẽ hạn chế được việc tụ tập đông người, cơ quan chức năng cũng sẽ dễ dàng kiểm soát được kết quả xét nghiệm của các cá nhân. Tương tự như vậy với việc quản lý tiêm chủng. Việc tích hợp cơ sở dữ liệu y tế và cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án của Bộ Công an đang triển khai sẽ giúp xác định những người cao tuổi, người có bệnh nền để tập trung ưu tiên tiêm phòng vắc xin, kịp thời có các biện pháp xử trí trong quá trình điều trị nhằm giảm tỉ lệ tử vong, hạn chế các rủi ro…

Việc triển khai các giải pháp này không chỉ có ý nghĩa ngay trong giai đoạn phòng chống dịch này, mà còn có ý nghĩa quan trọng, đó là Phú Yên sẽ có dữ liệu tích hợp, có thói quen sử dụng công nghệ, và quan trọng hơn, một tư duy chấp nhận đổi mới. Đồng thời, đó cũng là một bước trong quá trình chuyển đổi số.

Theo tôi, ứng dụng công nghệ trong ứng phó với dịch là cần thiết, để ổn định, an dân và phát triển kinh tế, để chúng ta không bị COVID-19 “nhốt” mãi trong “lồng giãn cách”.

*Xin cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy!

Giải pháp ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm 3 bộ công cụ:

Bộ công cụ phục vụ chỉ đạo, điều hành chung có 5 ứng dụng: Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; Trung tâm xử lý tin xấu độc, tin giả về COVID-19; Công cụ đánh giá mức độ giãn cách xã hội; Công cụ phát hiện người từ vùng dịch về; Công cụ phát hiện người vượt biên trái phép.

Bộ công cụ phục vụ phòng, chống dịch có 7 ứng dụng: Nền tảng khai báo y tế và quản lý ra vào bằng mã QR; Nền tảng luồng xanh giao thông bằng mã QR; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; Nền tảng quản lý tiêm chủng phòng COVID-19; Nền tảng hỗ trợ truy vết; Nền tảng hỗ trợ quản lý, giám sát cách ly; Nền tảng hỗ trợ điều phối, chuyển bệnh nhân.

Bộ công cụ phục vụ an dân có 6 ứng dụng: Công cụ tổng đài đường dây nóng hỗ trợ người dân; Công cụ trợ lý ảo tư vấn về phòng, chống COVID-19; Cẩm nang số về phòng, chống COVID-19; Nền tảng kết nối số, cung cấp thông tin bệnh nhân nặng; Nền tảng hỗ trợ người cần trợ giúp; CSDL về các đối tượng yếu thế. 

(PYO)

 Từ khóa: COVID-19

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 101

Máy chủ tìm kiếm: 1

Khách viếng thăm: 100

Hôm nay: 12,371

Hôm qua: 29,078

Tháng hiện tại: 243,764

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 9,954,081

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây