Phú Yên: Tổ chức Hội thảo khoa học về Danh nhân Lương Văn Chánh

Thứ sáu - 22/10/2021 04:23 345 0
Sáng ngày 22/10/2021, tại Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia - Đền thờ Danh nhân Lương Văn Chánh ở thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Huyện ủy Phú Hòa tổ chức Hội thảo khoa học về Danh nhân Lương Văn Chánh bằng hình thức trực tuyến được kết nối đến 13 điểm cầu, gồm 01 điểm cầu tại Phòng họp Tỉnh ủy; 09 điểm cầu huyện, thị, thành ủy và UBND huyện Phú Hòa; các điểm cầu tại Tỉnh Đoàn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh và Văn phòng họ Lương toàn quốc tại Hà Nội, với hơn 400 đại biểu tham dự.
1
Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: H. Thái)
Tham dự tại điểm cầu chính có các đồng chí: Phạm Đại Dương - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên; đồng chí Trần Hữu Thế - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; Thường trực và Ban Thường vụ huyện ủy Phú Hòa; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học của tỉnh…

Đây là lần đầu tiên, tỉnh Phú Yên tổ chức hội thảo về Danh nhân Lương Văn Chánh với tất cả tấm lòng thành kính, tri ân và tôn vinh vị Thành hoàng mở đất Phú Yên, cùng các vị tiền hiền cộng sự và kế tục sự nghiệp của Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh trong quá trình khẩn hoang lập làng và khai sinh tỉnh Phú Yên có tên trên bản đồ Tổ quốc năm Tân Hợi (1611). Đồng thời, khẳng định vị trí đặc biệt và vai trò của tỉnh Phú Yên trong sự nghiệp Nam tiến vĩ đại của dân tộc, góp phần quan trọng hoàn chỉnh giang sơn gấm vóc để lại cho con cháu muôn đời!

Hội thảo lần này được sự quan tâm của các nhà khoa học hàng đầu đất nước như: Học giả Nguyễn Đình Đầu, Học giả Nguyễn Đình Tư, Giáo sư Nguyễn Quốc Lộc và nhiều giáo sư, tiến sĩ ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh cùng các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa tiêu biểu của địa phương, chỉ trong gần tháng đã nhiệt tình cộng tác 39 tham luận phong phú, có chất lượng khoa học cao. Trong đó có 7 bài tham luận được trình bày tại Hội thảo và có 07 đại biểu tham gia ý kiến thảo luận.
2
Quang cảnh Hội thảo khoa học về Danh nhân Lương Văn Chánh tại điểm cầu Trung Tâm (Ảnh: H. Thái).
Nhìn chung, các tham luận khoa học đã lý giải bằng các cứ liệu lịch sử đầy sức thuyết phục về thân thế - sự nghiệp và nguyên quán của Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh; cung cấp những phát hiện mới, nhiều sắc phong công trạng của ông ở Quảng Ngãi, các miếu thờ Phù Nghĩa hầu ở Nam Bộ; giải mã công trạng của các bộ tướng như Cao Các, Sư Loan, vai trò của phu nhân Lê Thị Loan sát cánh bên chồng thời khẩn hoang lập làng… Những cứ liệu lịch sử mới được công bố, cùng những kiến giải mới góp phần bổ sung quan trọng để tái hiện các nhân vật lịch sử cùng tiền nhân thời mở đất, có vai trò và công lao vô cùng to lớn với tỉnh Phú Yên. Các tham luận cũng đề cập đến di sản to lớn của Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh để lại cho hậu thế. Đề ra các giải pháp phát huy giá trị di tích quần thể di tích văn hóa lịch sử quốc gia Mộ và Đền thờ Danh nhân Lương Văn Chánh trong sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương trước mắt và lâu dài.
3
Quang cảnh tại điểm cầu Tỉnh ủy (Ảnh: Bá Vĩnh)
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Phạm Đại Dương - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Đây là một trong những hoạt động thiết thực mừng kỷ niệm 410 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611-2021), có ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Phú Yên. Hội thảo cũng là dịp để mỗi người dân Phú Yên hôm nay thể hiện tình cảm và đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng biết ơn công lao của Danh nhân Lương Văn Chánh và các thế hệ ông cha đã dày công khai phá, tạo dựng, giữ gìn và phát triển vùng đất Phú Yên hơn bốn thế kỷ qua. Đây cũng là dịp để chúng ta khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh của các giá trị văn hóa, tinh thần, truyền thống quý báu của nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Yên được hun đúc và lưu truyền từ đời này sang đời khác trong bảo vệ, xây dựng, phát triển tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý một số vấn đề tiếp tục thực hiện sau Hội thảo như:

Một là, các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu, thu thập làm rõ thêm những vấn đề còn tồn nghi trong thân thế và sự nghiệp của Danh nhân Lương Văn Chánh; nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích nói chung, di tích lịch sử quốc gia Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh nói riêng để trở thành một điểm du lịch thu hút khách tham quan, là một địa điểm để giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử hào hùng của cha ông.

Hai là, giao Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Công viên và Tượng đài danh nhân Lương Văn Chánh để hình thành một quần thể di tích xứng tầm với công trạng của một vị Thành Hoàng mở đất, một điểm du lịch tâm linh thu hút khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ di tích cấp tỉnh đối với các di tích liên quan đến danh nhân Lương Văn Chánh; lập hồ sơ bảo vật quốc gia đối với sắc lệnh của chúa Nguyễn Hoàng giao nhiệm vụ Lương Văn Chánh đưa lưu dân vào khai khẩn vùng đất Phú Yên; xây dựng hệ thống thư mục các tài liệu liên quan đến danh nhân Lương Văn Chánh.

Giao UBND huyện Phú Hòa - đơn vị được giao quản lý trực tiếp di tích lịch sử Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc các hạng mục công trình hiện có; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di tích; xây dựng các phương án phát huy giá trị di tích.

Ba là, tập trung các giải pháp xây dựng và phát triển con người Phú Yên có bản lĩnh, ý chí khát vọng, có tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ. Nguồn tài liệu, sự thành công và ý nghĩa của Hội thảo hôm nay phải trở thành nguồn lực quý để các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục tuyên truyền, giáo dục truyền thống tốt đẹp của quê hương Phú Yên trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Kết hợp giáo dục truyền thống với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hướng tới mục tiêu khơi dậy và phát triển con người Phú Yên có ý chí, hoài bão, nghị lực, bản lĩnh, tri thức và giàu tình cảm để xây dựng và phát triển quê hương.

Bốn là, để thực hiện tốt việc giáo dục truyền thống quê hương nói chung,  Danh nhân - Thành hoàng Lương Văn Chánh nói riêng, bên cạnh những việc làm thường xuyên như lâu nay, cần đổi mới cách làm phù hợp với tình hình hiện nay như mở rộng và nâng cấp các buổi hội thảo, tọa đàm, tìm hiểu về Danh nhân Lương Văn Chánh rộng rãi trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ bằng các hình thức phù hợp; cần nghiên cứu đưa nội dung về Danh nhân Lương văn Chánh vào nội dung giảng dạy, vào sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, sinh viên.v.v..

Hồng Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 109

Máy chủ tìm kiếm: 3

Khách viếng thăm: 106

Hôm nay: 26,405

Hôm qua: 26,350

Tháng hiện tại: 678,614

Tháng trước: 799,455

Tổng lượt truy cập: 9,057,010

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây