Đang truy cập: 97
Hôm nay: 12,666
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 392,596
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,102,913
- Đang truy cập97
- Hôm nay12,666
- Tháng hiện tại392,596
- Tổng lượt truy cập10,102,913
Hội thảo khoa học về Danh nhân Lương Văn Chánh vừa được tỉnh tổ chức lần đầu tiên nhân dịp 410 năm Ngày giỗ của ông (19/9 âm lịch). Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định những cống hiến lớn lao của Danh nhân Lương Văn Chánh; trân trọng, tôn vinh và tri ân tiền nhân trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Phú Yên và những sự kiện lịch sử tiêu biểu trong hơn 400 năm qua.
Phóng viên Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến từ các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà khoa học, nhà báo... tại hội thảo.
PGS.TS NGUYỄN VĂN THƯỞNG: Hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp
Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh sinh vào khoảng cuối thập niên 30 thế kỷ XVI. Năm sinh chưa rõ ràng nhưng căn cứ vào sử liệu thì bản thân ông trước khi vào vùng đất phương nam Hoành Sơn, ông đang làm quan dưới triều vua Lê, giữ chức Thiên vũ vệ Đô chỉ huy sứ - là người có vai trò lớn trong việc phụ trách quân võ đội binh bấy giờ. Trong Gia phả họ Lương hiện nay còn lưu giữ tại thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa có ghi đầy đủ tên vợ và con cháu của ông Lương Văn Chánh. Vợ của Lương Văn Chánh tên là Lê Thị Loan, được phong Tần Thục phu nhân. Mộ bà Lê Thị Loan tọa lạc tại thôn Lạc Mỹ, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa. Ngôi mộ phát hiện từ năm 1930. Cách mộ bà 20m có mộ của cháu Lương Văn Chánh là Nhị lang thần Lương Văn Cảnh. Bốn người con của ông Lương Văn Chánh và bà Lê Thị Loan là: Lương Thị An, Lương Công Vĩnh, Lương Công Triều và Lương Công Quí.
Năm 1578, Lương Văn Chánh thực hiện nhiệm vụ đánh lấy Thành Hồ ở phía bắc Sông Ba và tập trung dân khẩn hoang từ Cù Mông đến Đà Diễn. Từ năm 1593-1594, Lương Văn Chánh có nhiều đóng góp quan trọng cho người chỉ huy là chúa Nguyễn Hoàng, lập được nhiều chiến công ở Sơn Nam và Hải Dương. Có thể hiểu từ trận Thành Hồ năm 1578 đến khi Lương Văn Chánh đưa lưu dân vào năm 1597, qua gần 20 năm, ruộng đồng đã thuần thục. Từ năm 1597-1611 là thời gian vùng đất Phú Yên đặt dưới quyền chỉ huy của Lương Văn Chánh. Khu vực ven sông, ven biển từ Cù Mông, Vũng Lắm đến đồng bằng Tuy An, Tuy Hòa, số làng ngày càng phát triển, rộng khắp cả tỉnh như ngày nay.
THS NGUYỄN THỊ HIỆP NGỌC: Sớm làm sáng tỏ những tồn nghi
Việc xác định quê hương bản quán của Lương Văn Chánh đã tốn khá nhiều giấy mực, nhưng đến nay vẫn chưa được xác minh rõ ràng. Năm 2007, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu công bố bài “Đã tìm thấy nguyên quán của Quận công Lương Văn Chánh”. Sau khi so sánh, đối chiếu tỉ mỉ, chính xác, tác giả đi đến nhận định: “Quận công Lương Văn Chánh có nguyên quán ở xã Phụng (cũng âm là Phượng) Lịch - Hoằng Hóa - Thanh Hóa và trú quán ở xã Phụng Các - Tuy Hòa - Phú Yên. Phụng Lịch sau đổi ra Phụng Ngô, Phụng Các sau đổi thành Phụng Tường.
Còn tại Đại lễ kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển; Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011, GS.TS Lương Phương Hậu, Phó Trưởng Ban liên lạc họ Lương Việt Nam có bài: “Kỷ niệm 400 năm ngày mất của Phù Nghĩa hầu, Phù Quận công Lương Văn Chánh”.
Trong bài viết, tác giả đề cập đến quá trình điền dã để xác minh nơi sinh và năm sinh của Lương Văn Chánh. Như vậy, việc xác định quê hương bản quán của Lương Văn Chánh qua tư liệu thành văn kết hợp dư địa chí, bản đồ... của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu với tư liệu điền dã của PGS.TS Lương Phương Hậu cho ta thấy sự trùng khớp. Tuy nhiên, về năm sinh của Lương Văn Chánh đến nay vẫn chưa được xác minh cụ thể.
Tôi thiết nghĩ, càng sớm làm sáng tỏ những tồn nghi về Danh nhân Lương Văn Chánh là điều thật sự cần thiết đối với người Phú Yên, với dòng họ Lương Việt Nam và với thế hệ mai sau.
NHÀ NGHIÊN CỨU TRẦN SĨ HUỆ: Công lao của bao lớp tiền nhân đã hòa quyện vào nhau
Vùng đất Phú Yên từ năm 1597-1611 là thời kỳ đặt dưới quyền chỉ huy của Lương Văn Chánh. Lịch sử không ghi rõ chức vụ chính thức của ông (người sau cứ gọi một cách chung chung là Trấn Biên quan, là người cai trị vùng trấn biên), cũng không ghi rõ tổ chức xóm làng lúc này ra sao. Tuy vậy, có thể thấy đây là một giai đoạn ổn định.
Sau chiến thắng Thành Hồ năm 1578, trận phản công vào năm 1579 và sau đợt di dân ồ ạt năm 1597, chắc chắn người Việt mang vào đây một lực lượng hùng hậu với cả một khí thế hào hứng, quyết tâm tìm sự no ấm trên vùng đất mới. Nhờ công lao xây dựng của Lương Văn Chánh trong 14 năm bằng những thành tựu thực tế đáng kể mà một trang sử mới được viết nên: đơn vị hành chính chính thức thành lập vùng đất hoang hóa ngày nào, nay đã có tên gọi phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.
Đến thời Minh Mạng, nhà Nguyễn, ranh giới hai huyện còn ở sông Đà Rằng (có thể là ranh giới lúc đầu tại đây). Lương Văn Chánh vừa là tướng cầm quân, vừa là nhà cai trị có tài, chỉ huy tổ chức điều hành, có đầy đủ cương và nhu nên không có mầm mống chống đối nào.
Hôm nay, chúng ta đi trên đường thiên lý từ chân đèo Cù Mông và Đèo Cả, chúng ta đi trên các ngả đường hướng tây, tây bắc, tây nam, lên Vân Hòa, Củng Sơn, Đồng Xuân, Sông Hinh... đâu đâu cũng thấy bát ngát một màu ruộng đồng, đất thổ... Nhưng chúng ta không thể phân biệt được đâu là khu vực những lưu dân do Lương Văn Chánh hướng dẫn khai hoang theo từng vết dầu loang mỗi ngày một rộng mở, đâu là khu vực những người gốc Đàng Ngoài thất trận phải làm tù binh, đâu là vùng do chính người dân bản địa khai thác... Tất cả công lao của bao lớp tiền nhân đã hòa quyện vào nhau trong mùa xanh của lúa non, mùa vàng của lúa chín... trên mảnh đất Phú trời Yên.
THS, NHÀ BÁO TRẦN QUỚI: Phát triển du lịch văn hóa tâm linh
Trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Phú Yên, điểm đến Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh là một trong những địa điểm du lịch tâm linh quan trọng, được đánh giá khả năng khai thác phát triển du lịch ở mức độ rất cao. Tuy nhiên, thực tế những hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch, hoạt động lễ hội ở đây còn quá đơn điệu, nếu không nói là chưa có gì để hấp dẫn du khách.
Vì vậy, để phát huy giá trị Di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh trở thành điểm du lịch tâm linh đặc trưng, tôi thiết nghĩ cần có một số giải pháp như sau: Định hình và phát triển lễ hội Lương Văn Chánh với các hoạt động lễ hội truyền thống thật sự đặc trưng, mang đậm nét văn hóa truyền thống ở quy mô lễ hội cấp tỉnh; nâng cấp đường giao thông đến khu di tích; đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ, các công trình tín ngưỡng, tôn giáo gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh; đầu tư, làm mới các biển chỉ dẫn, giới thiệu về ý nghĩa, giá trị của các di tích để người dân trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu...
Ngoài ra, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch; tuyên truyền, nâng cao ý thức thực hiện du lịch có trách nhiệm và giữ gìn điểm đến sạch đẹp đối với người dân cũng như du khách...; tăng cường quảng bá, giới thiệu Di tích quốc gia Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh trên các phương tiện truyền thông, hình tượng Lương Văn Chánh qua các hình thức nghệ thuật, sân khấu. Đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các công ty du lịch, lữ hành khai thác các tour văn hóa tâm linh đến Di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh, kết hợp du lịch tâm linh và các loại hình khác trong không gian gần; sớm triển khai xây dựng dự án Công viên Lương Văn Chánh...
Tôi thiết nghĩ, càng sớm làm sáng tỏ những tồn nghi về Danh nhân Lương Văn Chánh là điều thật sự cần thiết đối với người Phú Yên, với dòng họ Lương Việt Nam và với thế hệ mai sau. ThS Nguyễn Thị Hiệp Ngọc |
THIÊN LÝ (thực hiện)/PYO
Liên kết website
Đang truy cập: 97
Hôm nay: 12,666
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 392,596
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,102,913