Sáng 25/2 (tức mùng 6/2 năm Quý Mão), tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Mộ và Đền thờ Danh nhân Lương Văn Chánh, UBND huyện Phú Hòa phối hợp với Sở VH-TT-DL tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Danh nhân Lương Văn Chánh và các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn, tạo dựng vùng đất Phú Yên.
Về dự lễ có các đồng chí: Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đào Tấn Lộc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương cùng đông đảo bà con tộc họ Lương và Nhân dân trong tỉnh.
Danh nhân Lương Văn Chánh sinh vào khoảng thập niên 40 của thế kỷ XVI, quê tỉnh Thanh Hóa. Năm 1578, ông theo lệnh Chúa Nguyễn Hoàng chiêu tập lưu dân vào khai khẩn vùng đất từ phía nam đèo Cù Mông đến bắc đèo Cả, từng bước tạo nên những làng mạc đầu tiên trên châu thổ sông Đà Rằng, sông Cái. Dưới sự cai quản của ông, nơi đây đã nhanh chóng trở thành vùng đất trù phú với nền nông nghiệp phát triển và là cơ sở để thành lập phủ Phú Yên vào năm 1611.
Ngày 19/9/1611, Lương Văn Chánh qua đời tại làng Phụng Tường (tức thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa). Sau khi qua đời, ông được Nhân dân suy tôn là Thành hoàng và lập đền thờ để ghi nhớ công lao to lớn của ông đối với vùng đất Phú Yên. Mộ và đền thờ của ông được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996.
Từ năm 2008 đến nay, huyện Phú Hòa chọn mùng 6/2 âm lịch hàng năm - ngày Lương Văn Chánh nhận sắc lệnh của Chúa Nguyễn Hoàng đi khai khẩn vùng đất Phú Yên - để Nhân dân tề tựu về đây dâng lên Danh nhân Lương Văn Chánh cùng các bậc tiền nhân những nén hương với lòng thành kính tri ân công đức.
Di tích lịch sử Mộ và Đền thờ Danh nhân Lương Văn Chánh cũng là địa chỉ về nguồn, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ người dân trong tỉnh, trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu.
Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh lần này có các hội thi, chương trình nghệ thuật, các trò chơi dân gian, các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, cây kiểng... thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách.
Trước đó, chiều 24/2 (tức mùng 5/2 âm lịch), Ban tổ chức lễ hội đã tổ chức lễ rước sắc, tế cáo yết, rước linh Danh nhân Lương Văn Chánh theo nghi thức truyền thống.